Đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn về đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm, được xem là chính sách thiết thực, hợp lòng dân. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã cải thiện rõ nét. Tính từ năm 2009 đến năm 2011, nguồn kinh phí trung ương cấp cho tỉnh Cà Mau để thực hiện chính sách này là 41 tỷ đồng, kinh phí tỉnh cấp bổ sung chương trình mục tiêu cho các huyện, thành phố gần 35 tỷ đồng. Các địa huyện, thành phố đã kịp thời phân bổ chỉ tiêu vốn cho các xã, phường, thị trấn theo nguồn phân giao của tỉnh, đến nay đã quyết toán được 13, 1 tỷ đồng. Riêng huyện Phú Tân, kết quả từ đầu năm 2010 đến ngày 31 tháng 7 năm 2011 đã hỗ trợ 24 hộ mua đất sản xuất, 63 hộ mua đất ở, 42 lao động học nghề, 115 hộ mua sắm dụng cụ, máy móc, chuyển đổi ngành nghề, với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 1 tỷ 341 triệu đồng.
Nhiều địa phương đã có những giải pháp thực hiện khá hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, như: mua đất ở tập trung, đảm bảo quy hoạch chung của địa phương để thuận tiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ cho bà con dân tộc thiểu số nghèo ổn định cuộc sống với mục tiêu lâu dài và bền vững. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề được chú trọng, hình thức phong phú, nội dung phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng đối tượng.
Bà Ương chăm sóc luống rau má của gia đình
Tại xã Tân Hải, huyện Phú Tân, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nơi đây đã vươn lên khá giàu. Chúng tôi đến gia đình ông Mai Ương, 58 tuổi ở ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải. Trước đây gia đình ông Ương thuộc dạng rất khó khăn, chỉ làm thuê, làm mướn sinh sống hàng ngày. Khi được hỗ trợ 10 triệu đồng từ chính sách trên, cùng với sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các cán bộ ấp Công nghiệp, ông Ương quyết định đầu tư mua máy móc, dụng cụ, cải tạo 2.000m2 đất của gia đình để trồng rau má thương phẩm. Ông Uơng cho biết, giá bán mỗi kg rau má cho các thương lái đến tận nhà mua là 10 ngàn đồng. Nếu trừ hết các khoản chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình ông lợi nhuận 10 triệu đồng. Nhờ vậy mà ông Ương đủ sức nuôi 3 người con học đại học và cao đẳng. Hay như ông Mai Khánh, cũng ở ấp Công nghiệp, được hỗ trợ mua 1.000 m2 đất ở, học theo cách làm của ông Ương, ông Khánh dành 400 m2 để trồng rau má thương phẩm, mỗi tháng trừ các khoản chi phí, gia đình ông Khánh cũng còn lãi 3 triệu đồng.
Đây là một chính sách thiết thực, hợp lòng dân, bước đầu đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để việc sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả cao hơn thì công tác tuyên tuyền, hướng dẫn của chính quyền cơ cở, nhất là đối với những đảng viên thực hiện nhiệm vụ phụ trách hộ nghèo phải được đề cao hơn nữa trong thời gian tới.
Hoàng Hiền